Vì sao thương vụ Nico Williams sang Barcelona đổ bể ?
BongDa.com.vnThương vụ đưa Nico Williams về Barcelona đã chính thức khép lại theo cách đầy kịch tính và để lại không ít tiếc nuối cho cả hai bên.

Thương vụ chuyển nhượng Nico Williams sang Barcelona đã chính thức sụp đổ vì cầu thủ này và người đại diện muốn có một “điều khoản thoát hiểm”, để đảm bảo anh được tự do rời đi nếu Barca không kịp đăng ký anh trước thời hạn.
Phía Barca kiên quyết từ chối, dù trước đó họ từng đồng ý với các trường hợp tương tự như Dani Olmo. Ban đầu, các điều khoản cá nhân quan trọng giữa hai bên đã được thỏa thuận. Nhưng khi đại diện Williams chính thức yêu cầu bổ sung “điều khoản thoát hiểm”, Giám đốc thể thao Deco khẳng định Barca sẽ không chấp nhận điều này.
Phía Williams muốn được đảm bảo rằng anh đủ điều kiện thi đấu tại La Liga trước ngày 20 tháng 8, ngay sau vòng đầu tiên mùa 2025-26. Họ hiểu rất rõ rủi ro Barca từng gặp, với minh chứng rõ ràng nhất là vụ Dani Olmo mùa trước. Quyết định chấm dứt đã được đưa ra vào tối thứ Năm, khép lại một câu chuyện kéo dài quá lâu.
Trong suốt thời gian đàm phán, Nico Williams đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích cá nhân. Khi mọi thứ đổ bể, việc cầu thủ chạy cánh người Tây Ban Nha ký hợp đồng mới với Athletic, kèm điều khoản giải phóng cao hơn, khiến nhiều cầu thủ Barca sốc nặng.
Nhiều người trong số đó là bạn thân của Nico trong tuyển Tây Ban Nha. Các lãnh đạo cấp cao của Barca thậm chí chỉ biết tin qua mạng xã hội, khi video thông báo được Athletic quay gấp với Williams từ đêm hôm trước. Mọi thứ thay đổi kịch tính và gần như bất ngờ với tất cả những ai tin thương vụ đã sẵn sàng hoàn tất.
Bài học đắt giá từ Dani Olmo
Barca đã tiếp cận Nico Williams từ mùa hè 2024, nhưng phía Athletic Club không hề hài lòng với động thái này. Williams khi đó có điều khoản giải phóng 58 triệu euro, và khi anh tỏa sáng rực rỡ tại EURO, việc anh được nhiều đội săn đón là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên lãnh đạo Athletic không thể chấp nhận chuyện Barca với tình hình tài chính mong manh vẫn âm thầm tiếp cận cầu thủ quan trọng nhất của họ. Cuối cùng, Williams vẫn ở lại Athletic, còn Barca chuyển hướng ký Dani Olmo từ RB Leipzig với mức phí 60 triệu euro.

Chính những rắc rối Barca từng gặp khi đăng ký Olmo đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ xử lý thương vụ Williams năm nay. Mùa trước, Dani Olmo chỉ được đăng ký kịp thời tại La Liga nhờ Barca tận dụng một lỗ hổng trong quy định.
Khi đó, Barca chi tiêu vượt quá giới hạn quỹ lương mà La Liga cho phép, nên bị hạn chế đăng ký tân binh. Barca đã lách luật bằng quy định cho phép thay thế cầu thủ bị chấn thương. Khi Andreas Christensen bị loại khỏi danh sách vì chấn thương, Barca tận dụng điều này để đăng ký Olmo tạm thời.
Tuy nhiên, phương án này chỉ có hiệu lực đến tháng Giêng. Khi Christensen bình phục, Barca vẫn không đáp ứng quy định giới hạn quỹ lương, nên La Liga lập tức “hủy đăng ký Olmo”. Một tình huống chưa từng có đã xảy ra: Barca buộc phải cầu cứu chính phủ Tây Ban Nha.
Hội đồng Thể thao Cấp cao Tây Ban Nha đã can thiệp để Olmo được đăng ký trở lại, duy trì đủ điều kiện thi đấu đến tận năm 2030. Chắc hẳn, Chủ tịch Athletic sẽ không thể nào quên hình ảnh Chủ tịch Joan Laporta mừng rỡ khoe khoang trong khu VIP sân vận động, ngay khi hay tin Olmo trở lại đội hình được thông báo trước trận Siêu cúp với Athletic.
Những điều khoản “thoát hiểm” từng cứu tân binh Barca
Trường hợp của Dani Olmo không phải ngoại lệ duy nhất. Khi ký hợp đồng với Olmo, Barca đã đồng ý thêm điều khoản cho phép anh ra đi tự do nếu không được đăng ký kịp thời. Khi La Liga hủy đăng ký Olmo vào tháng Giêng, anh hoàn toàn có thể kích hoạt điều khoản để rời Barca mà không mất gì.
Dù vậy, Olmo vẫn quyết định ở lại, Barca cuối cùng cũng giữ được anh nhờ phán quyết của Hội đồng Thể thao Cấp cao. Trước Olmo, Ilkay Gundogan khi chuyển đến từ Man City năm 2024 cũng có điều khoản tương tự.

Jules Kounde khi rời Sevilla để gia nhập Barca năm 2022 cũng được bảo vệ bằng cơ chế này. Các kỳ chuyển nhượng mùa hè gần đây của Barca luôn bị ám ảnh bởi vấn đề đăng ký cầu thủ mới.
Chủ tịch La Liga, Javier Tebas, mới đây cũng nhấn mạnh Barca vẫn chưa tuân thủ đầy đủ quy định chi tiêu. Đến nay, tân binh Joan Garcia vẫn chưa được đăng ký. Đây chính là lý do khiến phía Williams kiên quyết đòi hỏi điều khoản “thoát hiểm”.
Từ ưu tiên số một đến cái kết bất ngờ
Đầu tháng 6, Barca tiếp cận Liverpool hỏi mua Luis Diaz nhưng bị từ chối. Việc này vô tình khiến đại diện Williams liên hệ Barca để hỏi liệu rằng đội bóng xứ Catalan có sẵn sàng đàm phán ký Williams thay thế hay không.
Ban lãnh đạo Barca đồng ý, và coi Williams là ưu tiên số một. Chủ tịch Joan Laporta khi ấy còn cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Williams thực sự muốn gia nhập Camp Nou, khác hẳn thái độ thiếu dứt khoát mùa trước.
Ngày 13 tháng 6, đại diện Williams gặp Deco và lãnh đạo Barca để xác nhận mong muốn gia nhập, với điều kiện Barca đảm bảo chuyện đăng ký. Chỉ mười ngày sau, Deco xuất hiện trên La Vanguardia và công khai nói: “Chúng tôi quan tâm đến Williams và sẽ cố gắng ký với cậu ấy.”
Ngày 23 tháng 6, Williams thông báo với Athletic về ý định gia nhập Barca. Ngay lập tức, Athletic Club đưa ra thông báo chỉ trích Barca vì công khai tiếp cận cầu thủ còn hợp đồng.
Chủ tịch Jon Uriarte đã trực tiếp gặp Javier Tebas để đề nghị La Liga giám sát Barca kỹ lưỡng hơn. Tuyên bố của Athletic viết: “Athletic Club muốn cảm ơn La Liga vì sự sẵn lòng và rõ ràng đã được thể hiện trong cuộc họp ngày hôm qua.”
Phản ứng trước động thái này, Chủ tịch Laporta đáp trả gay gắt tại sự kiện công khai: “Athletic hãy tôn trọng, tự lo việc của mình và đừng xen vào chuyện người khác.” Trong bầu không khí căng thẳng đó, đàm phán giữa Williams và Barca vẫn tiếp diễn.
Điều khoản cuối cùng và cái giá Deco không dám đánh đổi
Theo luật Tây Ban Nha, điều khoản giải phóng trị giá 58 triệu euro buộc cầu thủ hoặc đại diện phải trực tiếp mang tiền mặt đến đặt tại trụ sở La Liga ở Madrid. Barca đã chuẩn bị đủ tiền nhưng phía Williams vẫn đòi thêm điều khoản an toàn.
Họ khẳng định Bayern Munich, Arsenal và cả Athletic đều sẵn sàng đưa ra thỏa thuận tương đương. Deco từ chối và chỉ cam kết bằng lời: “Williams sẽ được đăng ký kịp trước hạn chót.”
Sau bài học Dani Olmo, ông không chấp nhận rủi ro mất trắng 58 triệu euro nếu kịch bản xấu lặp lại. Đêm thứ Tư, ban lãnh đạo Barca vẫn tin thương vụ sẽ xong vì Williams thật sự muốn khoác áo họ.
Nhưng họ đã nhầm.
Video “WIN 2035” và mức đãi ngộ kỷ lục ở Bilbao
Tối thứ Năm, Williams trở về Bilbao sau kỳ nghỉ và quay video công bố gia hạn hợp đồng với Athletic. Trong đoạn quay, anh dùng sơn xịt viết “WIN 2035” lên bức tường từng bị bôi nhọ.

Athletic cho xóa ngay dòng chữ sau khi quay để tránh lộ thông tin. Sáng hôm sau, video lan truyền trên mạng xã hội. Các Giám đốc Barca mới ngã ngửa vì tin này, nhiều cầu thủ trong đội thậm chí đã tính đến số áo cho Williams.
Athletic đã đàm phán gia hạn âm thầm nhiều tháng trước. Với hợp đồng mới, Williams trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất lịch sử câu lạc bộ, mức thu nhập sau thuế khoảng 10 triệu euro mỗi năm.
Con số này cao hơn rất nhiều so với đề nghị Barca đưa ra. Vùng Basque còn có ưu đãi thuế đặc biệt cho cầu thủ. Cựu Phó Chủ tịch tài chính Barca, Eduard Romeu, từng chia sẻ trên RAC1: “Với các quy tắc thuế hiện tại, Williams sẽ đắt hơn 40% nếu chơi cho Barca so với ở Athletic.
Barca buộc phải tính lại toàn bộ kế hoạch
Thất bại này buộc Barca trở lại phương án tìm cầu thủ chạy cánh trái mới. Luis Diaz vẫn là mục tiêu ưa thích nhất của Deco nhưng điều kiện tài chính khiến thương vụ này không dễ. Vì vậy Marcus Rashford trở thành lựa chọn khả thi hơn khi Manchester United sẵn sàng để anh ra đi và bản thân Rashford cũng muốn sang nước ngoài để làm mới sự nghiệp.

Sau tất cả, thương vụ Nico Williams đổ bể không chỉ là chuyện một bản hợp đồng hỏng. Nó phơi bày rõ những lỗ hổng tài chính, rủi ro cố hữu trong đăng ký cầu thủ và mối quan hệ căng thẳng giữa Barca với các đội La Liga.
Mùa bóng mới sắp bắt đầu, Camp Nou vẫn đang tu sửa để bước sang một kỷ nguyên mới. Nhưng thất bại trong thương vụ Nico Williams là lời nhắc rằng không một tham vọng nào ở Barcelona sẽ được đảm bảo trở thành sự thật.
Theo "The Athletic"